Thứ Bảy, 20 tháng 7, 2013

Không mang quyền lợi của dân ra thí điểm

Đề xuất quận và phường không quản lý toàn diện nữa mà tập trung lo mặt an ninh trật tự trong đô thị.

“Ý nghĩa của việc thí điểm thực hiện mô hình chính qu
yền đô thị không phải là lấy quyền lợi của người dân ra thí điểm mà là tìm cách thực hiện để quyền lợi của người dân được đảm bảo tốt nhất, đáp ứng nhanh nhất”. Giám đốc Sở Nội vụ TP.HCM Trương Văn Lắm nhấn mạnh như trên tại hội thảo về “Nghiên cứu phát triển chính quyền đô thị tại Việt Nam” do Trường ĐH Kinh tế-Luật (ĐHQG TP.HCM) tổ chức ngày 19-7.
Từ câu chuyện đất đai Đà Nẵng
Tại hội thảo, nhóm nghiên cứu do GS-TS Nguyễn Thị Cành, PGS-TS Nguyễn Ngọc Điện và các chuyên gia khác cho rằng Chính phủ cần trao quyền rộng hơn trong cơ chế tài chính, huy động các nguồn lực cho đầu tư phát triển, miễn là không có tham nhũng. “Các TP trực thuộc trung ương cần được trao quyền chủ động hơn trong một số vấn đề mà không nhất thiết phải xin ý kiến Chính phủ” - nhóm nghiên cứu đề xuất.
Nhóm nêu tình huống cụ thể tại Đà Nẵng: Việc UBND TP Đà Nẵng giảm 10% tiền sử dụng đất (SDĐ) cho một số đối tượng khi nộp đủ một lần trong thời hạn 60 ngày kể từ ngày ký hợp đồng đã bị Thanh tra Chính phủ kết luận là trái với pháp luật, làm thất thu ngân sách hơn 1.200 tỉ đồng. Nhóm nghiên cứu cho hay đã tính toán xem cách “vượt rào” của Đà Nẵng là mang lại lợi ích kinh tế - tài chính hơn so với việc thực hiện đúng quy định hay không.
Nhóm nghiên cứu cho rằng các TP trực thuộc trung ương cần được trao quyền mạnh hơn trong một số lĩnh vực. Ảnh: CẨM TÚ
Theo đó, mỗi năm việc thu tiền SDĐ đã có giảm 10% nhưng việc thu đủ một lần từ đầu kỳ đã đem lại chênh lệch hơn 287 tỉ đồng so với việc thu đủ theo quy định nhưng thu chậm một năm. Về hiệu quả kinh tế - xã hội, biện pháp thu tiền một lần “có chiết khấu 10%” của Đà Nẵng mang lại hiệu quả tài chính và kinh tế, hạn chế khả năng giảm GDP của TP so với biện pháp thu tiền không chiết khấu nhưng được trả chậm. “Nếu Đà Nẵng được trao quyền tự chủ thì sẽ có hiệu quả để phát triển kinh tế - xã hội và không mang tiếng là vi phạm quy định hoặc phá rào” - nhóm nghiên cứu nhận định.
Có mặt tại hội thảo, Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Võ Duy Khương cho hay nếu tính toán cụ thể hơn nữa thì phương pháp thu đủ một lần ngay từ đầu và cho chiết khấu còn đem lại lợi nhuận lớn hơn nhiều. “Thanh tra Chính phủ cũng nhìn nhận như vậy nhưng cho rằng Đà Nẵng có lỗi là không báo cáo Chính phủ dù cách làm rất sáng tạo. Bây giờ sai thì sửa nhưng không thể đòi người dân nộp lại số tiền đã miễn” - ông Khương bày tỏ.
Tập trung một đầu mối
Báo cáo của nhóm nghiên cứu cũng đánh giá phương thức quản lý của Đà Nẵng có hiệu quả cao hơn TP.HCM trong một số lĩnh vực, như thủ tục xin giấy phép xây dựng cho một dự án. Tại Đà Nẵng, thời gian thực hiện thủ tục này mất 3-6 tháng trong khi TP.HCM mất bình quân hai năm, thủ tục gồm chín bước. “Từ đó, chi phí cơ hội của thủ tục này tại TP.HCM cao gấp bốn lần tại Đà Nẵng. Chi phí cơ hội cao ảnh hưởng đến tăng trưởng GDP chung của TP.HCM” - nhóm nghiên cứu cho biết.
Giải thích nguyên nhân, nhóm này cho rằng Đà Nẵng tập trung hóa về quản lý theo chức năng chuyên môn về cho các sở. Phương cách này hiệu quả hơn so với cách phân cấp cho quận, huyện mà TP.HCM đang thực hiện. “Nếu mô hình chính quyền đô thị theo đề xuất của hai TP này được thông qua, tức chức năng quản lý không phân cấp cho quận, huyện mà tập trung một đầu mối, quản lý thông suốt theo địa bàn làm cho các quyết định quản lý có hiệu lực nhanh chóng, tránh cắt khúc chồng chéo thì chính quyền hoạt động sẽ hiệu quả hơn” - báo cáo chỉ rõ.
Nguyên Giám đốc Sở Tư pháp TP.HCM Võ Văn Thôn cũng tán thành việc không phân cấp cho cấp quận và phường quản lý chuyên môn mà phải giao về cho cấp sở. “Quận và phường không quản lý toàn diện nữa mà tập trung lo mặt an ninh vì đây là vấn đề rất kém. Trong khi đó, an ninh là yếu tố quan trọng hàng đầu của một TP” - ông góp ý.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét