Việc truy xuất nguồn gốc nông sản như một cách minh bạch thông tin về chất lượng hàng hoá là yêu cầu của người tiêu dùng và chính phủ tại nhiều nước đang nhập khẩu nông, thuỷ sản nước ta. Đây không phải vấn đề mới, nhưng đến nay, vẫn chưa nhiều doanh nghiệp coi trọng việc này…
Liên kết kém, giá trị thấp
Giá càphê nước ta xuất khẩu chỉ bằng 89% giá mặt hàng cùng loại của thế giới |
Câu chuyện đang xảy ra với mặt hàng lúa gạo và nhiều nông sản xuất khẩu khác ở nước ta, đó là xuất khẩu với sản lượng lớn nhưng giá trị lại thấp. Theo bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, so với bình quân chung của thế giới, giá một số nông sản xuất khẩu chủ lực của nước ta luôn luôn thấp hơn nhiều. Cụ thể, năm 2012, giá càphê nước ta xuất khẩu chỉ bằng 89% giá mặt hàng cùng loại của thế giới. Con số này đối với trà là 54%, gạo là 79%...
Lý giải một phần nguyên nhân, TS Đặng Kim Sơn, viện trưởng viện Chiến lược nông nghiệp và phát triển nông thôn cho biết, quy trình để một sản phẩm nông sản được xuất khẩu hiện qua năm bước, đó là: nhà cung cấp đầu vào (nguyên liệu, thức ăn, giống...), nông dân, thương nhân trung gian, nhà chế biến, nhà xuất khẩu hoặc bán lẻ. “Thị trường bị phân tán, và bị xé lẻ ra theo kiểu như vậy nên hầu hết các thương lái thu mua để xuất khẩu mà không đầu tư vùng nguyên liệu, do vậy họ không mặn mà với việc truy xuất nguồn gốc hàng hoá nông sản và giá trị xuất khẩu thấp”, ông Sơn nói.
Thứ trưởng bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn Hà Công Tuấn thừa nhận, hầu hết các doanh nghiệp xuất khẩu nông sản ngại minh bạch thông tin đến người tiêu dùng, doanh nghiệp lo lắng về chuyện minh bạch thông tin sẽ làm giảm đi tính cạnh tranh của doanh nghiệp và vì thế, chấp nhận bán với giá rẻ hơn.
Hiện tại ở nước ta, có mô hình cánh đồng mẫu lớn của công ty cổ phần bảo vệ thực vật An Giang có đầu tư vùng nguyên liệu. Công ty tham gia đầu tư giống, phân bón và khoa học kỹ thuật cho nông dân để tạo ra các sản phẩm có giá trị cao, tuy nhiên tới nay công ty vẫn chưa được phép xuất khẩu mà muốn xuất khẩu lại phải liên kết với công ty khác.
Bắt đầu từ đâu?
Trong thực tế theo yêu cầu của chính phủ và người tiêu dùng tại nhiều nước nhập khẩu, việc minh bạch các thông tin về hàng hoá, nguồn gốc là bắt buộc. Bà Huỳnh Lê Tâm, chuyên gia về công nghệ thực phẩm cho biết, yêu cầu của khách hàng theo các tiêu chuẩn BAP, Global GAP, PAD/ASC luôn bắt buộc các nhà xuất khẩu phải có tài liệu và chứng minh được khả năng truy xuất nguồn gốc của tất cả các yếu tố tạo thành sản phẩm như: nguồn gốc con giống, nguyên liệu, bao bì, thành phần… Thậm chí các cơ sở sản xuất phải có hồ sơ ghi chép, giám sát hàng ngày về tình trạng của sản phẩm và tên của những người chịu trách nhiệm về các quy trình đó. Từ yêu cầu của khách hàng, các nhà bán lẻ cũng có yêu cầu tương tự với các nhà cung cấp.
Với chuỗi sản xuất nông sản bị cắt ra thành nhiều mảnh nhỏ như phân tích của ông Đặng Kim Sơn, việc truy xuất nguồn gốc chỉ được thực hiện tốt nếu các mối liên kết này vững vàng, bền chặt. Ông Sơn cho rằng, để tăng cường các mối liên kết này, cần sự tham gia của ban điều phối các ngành hàng xuất khẩu nhằm giảm sự cạnh tranh lẫn nhau dẫn đến giảm giá của các doanh nghiệp. Đây cũng là rủi ro lớn khi hàng nông sản Việt Nam phải đối mặt với các vụ kiện chống bán phá giá từ nước ngoài.
LÊ PHƯỢNG
Hiện tại đã có 12 doanh nghiệp xuất khẩu cá tra, tôm, rau, trái cây đã xây dựng hệ thống truy xuất nguồn gốc hàng hoá điện tử. Với việc đầu tư hệ thống này, người tiêu dùng có thể biết được rõ và chính xác họ đang mua loại hàng hoá có đảm bảo và tin tưởng về chất lượng hay không. Truy xuất nguồn gốc hàng hoá được thực hiện rất đơn giản, tức thời và chắc chắn sẽ ảnh hưởng nhiều đến quyết định mua hàng của người tiêu dùng tại các nước nhập khẩu. |
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét