Mỹ và Philippines thảo luận về thỏa thuận chia sẻ căn cứ quân sự.
Liên quan đến sự kiện Philippines kiện Trung Quốc về tranh chấp biển Đông, ngày 16-7, Bộ Ngoại giao và Văn phòng Tổng biện lý Philippines cùng ra thông báo chung cho biết tòa án trọng tài quốc tế đã chính thức được thành lập hôm 11-7 tại The Hague (Hà Lan) và quy trình tố tụng đã chính thức bắt đầu.
Tòa trọng tài thường trực (tổ chức liên chính phủ được thành lập tại hội nghị hòa bình The Hague lần thứ nhất vào năm 1899) ở dinh Hòa Bình tại TP The Hague được chỉ định làm nơi đăng ký các quy trình tố tụng của vụ kiện.
Báo Phil Star (Philippines) đưa tin thông báo nêu trên của Bộ Ngoại giao Philippines cho biết trong cuộc họp đầu tiên hôm 11-7, tòa án trọng tài quốc tế đã thông qua dự thảo bộ quy tắc về quy trình tố tụng đối với vụ kiện.
Tòa yêu cầu hai bên của vụ kiện (Philippines và Trung Quốc) nhận xét về dự thảo này và thời hạn cuối nộp nhận xét là ngày 5-8. Tòa cũng yêu cầu hai nước đề xuất lịch trình nộp các biên bản biện hộ.
Dinh Hòa Bình ở TP The Hague (Hà Lan), nơi được chỉ định tiến hành các quy trình tố tụng trong vụ Philippines kiện Trung Quốc về tranh chấp ở biển Đông. Ảnh: KOOTATION
Thông báo của Bộ Ngoại giao Philippines ghi nhận chính phủ Philippines và các luật sư đại diện cho Philippines trong vụ kiện đang nghiên cứu dự thảo bộ quy tắc về quy trình tố tụng và sẽ nộp nhận xét kèm lịch trình nộp các biên bản biện hộ.
Thông báo nhấn mạnh Bộ Ngoại giao và Văn phòng biện lý Philippines cam kết hợp tác đầy đủ với tòa án trọng tài quốc tế nhằm bảo đảm quy trình phân xử hiệu quả, công bằng, mang lại phán quyết cuối cùng mang tính ràng buộc và phù hợp với luật pháp quốc tế. Bộ Ngoại giao sẽ cập nhật thông tin về tiến trình của vụ kiện cho công chúng.
Cùng ngày, hãng tin GMA News (Philippines) dẫn lời người phát ngôn Bộ Ngoại giao Philippines nói dù Trung Quốc có phản hồi yêu cầu của tòa hay không thì quy trình tố tụng của vụ kiện vẫn diễn ra.
Người phát ngôn cho biết một phần quan trọng trong quy trình tố tụng là tòa án trọng tài quốc tế sẽ quyết định xem đơn kiện của Philippines có căn cứ pháp lý theo Công ước LHQ về Luật biển (UNCLOS) hay không.
Nếu có căn cứ, tòa sẽ xác định xem tòa có thẩm quyền phân xử vụ kiện hay không (vì Trung Quốc đưa ra ý kiến bảo lưu, trong đó từ chối tham gia một số điều khoản trong UNCLOS).
Theo báo Sunstar (Philippines), năm thành viên của tòa án trọng tài quốc tế gồm:
Ông Thomas Mensah người Ghana, nguyên Chánh án Tòa án Quốc tế về Luật biển (ITLOS). Ông được bổ nhiệm làm chánh án của tòa án trọng tài quốc tế.
Ông Jean-Pierre Cot người Pháp, thẩm phán ITLOS.
Ông Stanislaw Pawlak người Ba Lan, thẩm phán ITLOS.
Ông Rüdiger Wolfrum người Đức, thẩm phán ITLOS.
Ông Alfred Soons người Hà Lan, thành viên Ban cố vấn chuyên gia về luật biển của Ủy ban Hải dương học liên chính phủ thuộc Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của LHQ (UNESCO).
Ngày 16-7, Đại sứ Philippines tại Mỹ Jose Cuisia cho biết Mỹ và Philippines đang thảo luận về thỏa thuận cho phép Mỹ xây dựng các căn cứ quân sự và dân sự ở Philippines làm nơi đồn trú luân phiên của quân đội Mỹ và bảo quản trang thiết bị quân sự. Đại sứ Jose Cuisia nói Mỹ và Philippines sẽ sử dụng chung căn cứ này. Ông cho rằng thỏa thuận trên sẽ hỗ trợ nỗ lực của Philippines trong việc xây dựng năng lực phòng vệ đáng tin cậy ở mức tối thiểu cũng như củng cố an ninh hàng hải. |
THẠCH ANH/Pháp Luật TPHCM
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét