Thứ Ba, 16 tháng 7, 2013

Mỹ - Trung lặng lẽ chuẩn bị chiến tranh?

Bất chấp những nụ cười trước ống kính truyền thông của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Mỹ Barack Obama, hai cường quốc này vẫn đang lặng lẽ chuẩn bị cho một cuộc chiến trong tương lai, theo một bài bình luận mới đây của tờ The Globe and Mail ở Canada.

Theo nhận định của tờ The Globe and Mail hôm 12.7, cả Lầu Năm Góc và Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) đang vũ trang để chuẩn bị cho một cuộc chiến tổng lực và theo đuổi những chiến lược cực kỳ tốn kém để nắm quyền chủ động trong trường hợp nổ ra chiến tranh.

Về phía Mỹ, Lầu Năm Góc đang xây dựng chiến lược toàn cầu dựa trên một kế hoạch chi tiết được biết đến với khái niệm Không hải chiến, trong đó lục quân và không quân Mỹ bảo vệ sự hiện diện của 320.000 binh sĩ tại khu vực bằng cách sẵn sàng cho một cuộc không kích và đổ bộ toàn diện nhằm vào Trung Quốc trong trường hợp phát sinh mối đe dọa tại biển Đông hoặc những khu vực xung quanh.

Mỹ - Trung lặng lẽ chuẩn bị chiến tranh?
Máy bay chiến đấu không người lái thử nghiệm X-47B của hải quân Mỹ - Ảnh: Reuters

Trong một nghiên cứu chi tiết đăng trên Tuần san các vấn đề quốc tế Yale mới đây, chuyên gia chính sách quân sự và xã hội học uy tín Amitai Etzioni cho rằng chiến lược Không hải chiến chưa được phê chuẩn bởi các quan chức dân sự, cụ thể là Nhà Trắng và Quốc hội. Theo ông Etzioni, trên thực tế các nhà ngoại giao và chính trị gia Mỹ vốn có ý chống lại chiến lược ẩn chứa nhiều nguy hiểm và rủi ro này.

Tuy nhiên, Không hải chiến đã vượt quá giai đoạn kế hoạch dự phòng và có vẻ như đã bắt đầu quá trình thực thi, bao gồm việc tái cấu trúc lực lượng và phân bổ ngân sách, theo trang tin Huffington Post.

Mặc dù phần lớn thông tin về Không hải chiến vẫn được xếp loại mật, vào tháng 5 năm nay, hải quân Mỹ đã công bố phần tóm tắt được giải mật minh họa cách khái niệm này bắt đầu định hình các kế hoạch xây dựng lực lượng và mua sắm khí tài quân sự.

Trong năm 2011, Lầu Năm Góc đã thành lập Văn phòng phụ trách Không hải chiến để điều phối hoạt động đầu tư, tổ chức tập trận và hợp nhất Không hải chiến vào hoạt động huấn luyện và đào tạo của cả bốn quân chủng.

Một báo cáo của Cơ quan Nghiên cứu Quốc hội Mỹ lưu ý khái niệm Không hải chiến đã khiến các quan chức hải quân thay đổi đáng kể kế hoạch ngân sách trong giai đoạn 2014 đến 2016 của lực lượng này, bao gồm đầu tư vào năng lực chống tàu ngầm, chiến tranh điện tử, chiến tranh mạng, chiến đấu cơ F-35, máy bay tuần tra P-8A và máy bay không người lái.

http://www.thanhnien.com.vn/pages/20120802/he-lo-kich-ban-chien-tranh-voi-trung-quoc-cua-my.aspx
Một nhóm tàu chiến của hải quân Mỹ - Ảnh: US Navy

Khi chiến lược Không hải chiến được đặt ra, một sĩ quan cao cấp của Trung Quốc đã cảnh báo về phản ứng của Trung Quốc.

“Nếu quân đội Mỹ phát triển Không hải chiến để đối phó với PLA, PLA buộc phải phát triển kế hoạch chống Không hải chiến”, đại tá Phàn Cao Nguyệt thuộc Viện Khoa học Quân sự Trung Quốc phát biểu trong một hội thảo.

Theo tờ The Globe and Mail, cảnh báo của ông Phàn đang trở hành hiện thực. Không lâu sau khi trở thành Tổng bí thư đảng Cộng sản Trung Quốc vào năm ngoái, ông Tập Cận Bình đã từ bỏ cam kết “trỗi dậy hòa bình” của người tiền nhiệm, nắm quyền chỉ huy trực tiếp Quân ủy Trung ương và chỉ thị cho quân đội tập trung vào “thực tế chiến đấu” và năng lực chiến thắng các cuộc chiến.

Theo tờ Wall Street Journal, ông Tập đã trọng dụng trở lại một nhóm tướng lãnh và cố vấn quân sự diều hâu, những người chủ trương một chiến lược quân sự dựa trên việc chuẩn bị cho một cuộc đối đầu trực tiếp với Mỹ.

Ông Tập đặc biệt ưu ái đại tá Lưu Minh Phúc, người có các cuốn sách bị cấm phát hành vì những lời kêu gọi đối đầu quân sự trực tiếp giữa Trung Quốc và Mỹ. Các cuốn sách của ông Lưu Minh Phúc hiện đã lũ lượt quay trở lại kệ sách, theo Wall Street Journal.

Sơn Duân/Thanh Niên

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét