Chức danh của cá nhân được ghi vào trong trường hợp này không phải để khẳng định là đại diện cho cơ quan để phát ngôn.
Đó là khẳng định của Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông (TT-TT) Đỗ Quý Doãn khi trao đổi với báo chí bên lề hội nghị tập huấn, triển khai thực hiện quy chế phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí ở các tỉnh phía Nam do bộ này tổ chức tại TP.HCM, ngày 17-7.
Ghi rõ chức danh để bảo đảm độ tin cậy
. PV: Quy chế mới cho phép cá nhân không phải là người phát ngôn (NPN) của cơ quan được quyền phát ngôn, cung cấp thông tin cho báo chí nhưng với tư cách cá nhân, không đại diện cho cơ quan. Tuy nhiên, khi phát ngôn với tư cách cá nhân thì họ lại ngại bị hiểu nhầm là phát ngôn cho cơ quan (vì đương nhiên báo chí phải ghi rõ chức danh của họ). Thứ trưởng có thể làm rõ hơn vấn đề này?
+ Thứ trưởngĐỗ Quý Doãn:Đây là một trong những điều mà các cơ quan hành chính nhà nước cũng như những người được phân công trách nhiệm phát ngôn và một số địa phương chưa nhận thức đầy đủ. Thực chất quyền của mọi người được cung cấp thông tin cho báo chí được quy định tại Điều 7 Luật Báo chí và quy chế này cũng không thể đặt trên luật. Cụ thể, quy chế này quy định khi thông tin của cơ quan hành chính phát ra và NPN thay mặt cơ quan hành chính ấy cung cấp thì đó là thông tin chính thống. Còn cá nhân khác vẫn có quyền phát biểu, cung cấp thông tin cho báo chí và họ phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về thông tin đó theo quy định của Luật Báo chí.
Thứ trưởng Bộ TT-TT Đỗ Quý Doãn trả lời báo chí bên lề hội nghị sáng 17-7. Ảnh: MC
Chẳng hạn như cá nhân tôi, khi tôi nhân danh Bộ TT-TT thì thông tin đó hoàn toàn là thông tin chính thống của Bộ TT-TT. Nhưng có những việc với quan điểm, nhận định, suy nghĩ của tôi về vấn đề nào đó trong chuyên môn thì tôi vẫn có quyền phát ngôn và chịu trách nhiệm trước pháp luật về điều đấy. Phải phân biệt rõ cái này thì chắc chắn không ai có thể e ngại và sợ bị hiểu nhầm.
. Vậy việc báo chí ghi chức danh ngay sau tên của người phát ngôn với tư cách cá nhân nhằm tạo độ tin cậy cho thông tin là chuyện bình thường và không nên quy là người đó đại diện cơ quan, thưa Thứ trưởng?
+ Chức danh của cá nhân được ghi vào trong trường hợp này không phải để khẳng định là đại diện cho cơ quan để phát ngôn. Chẳng hạn tôi là công dân, khi phát ngôn với tư cách cá nhân thì tôi vẫn là thứ trưởng. Tôi phát ngôn ở góc độ một thứ trưởng nhưng vẫn là tư cách cá nhân thôi, trừ khi ghi tôi là thứ trưởng thay mặt Bộ TT-TT để phát ngôn thì lại hoàn toàn khác. Nếu không ghi chức danh mà chỉ ghi là ông Đỗ Quý Doãn thì uy lực cũng như độ tin cậy thông tin sẽ khác so với một công dân là thứ trưởng.
Chế tài nếu không cung cấp thông tin
. Nội dung quy chế mới có quy định về việc chế tài việc không cung cấp thông tin cho báo chí. Theo ông, điều này có khả thi không?
Trong quá trình xây dựng quy chế, chúng tôi cũng rất muốn đưa ra những chế tài để xác định trách nhiệm khi NPN không cung cấp thông tin, cung cấp thông tin sai hoặc thiếu kịp thời. Tuy nhiên, bước đầu trong quy chế chỉ đưa ra những quy định khung xử lý việc này theo hướng người nào từ chối cung cấp thông tin không đúng quy định hoặc cung cấp thông tin sai thì có thể bị xử lý kỷ luật, xử lý hành chính hoặc nặng hơn là xử lý hình sự.
Hiện nay Bộ TT-TT đang xây dựng dự thảo Nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thông tin báo chí, xuất bản và cũng đã đưa những quy định này vào.
. Khi xảy ra việc bị từ chối cung cấp thông tin thì báo chí cần báo cáo những điều này thế nào và cơ quan nào xử lý, thưa ông?
+ Quy trình cụ thể sẽ được quy định rõ trong nghị định xử phạt đang xây dựng. Nhưng tôi nghĩ quy trình sẽ thế này: Trong quá trình tác nghiệp của báo chí, cơ quan hành chính nhà nước không làm đúng chức trách phận sự của mình thì những người liên quan có quyền khiếu nại đến cơ quan có thẩm quyền. Ở địa phương là Sở TT-TT và thanh tra của sở này sẽ xem xét, thụ lý và xử lý việc; ở cấp bộ là Thanh tra Bộ TT-TT.
Cũng cần lưu ý là hiện nay không phải NPN nào cũng có đầy đủ kỹ năng phát ngôn, cung cấp thông tin cho báo chí nên chúng ta phải chuẩn bị từng bước, rèn luyện, bồi dưỡng dần dần để việc cung cấp thông tin không chỉ là nghĩa vụ mà còn là quyền lợi của họ. Tôi ví dụ, có nhiều người ngại trả lời cơ quan báo chí của nước ngoài vì sợ sai, sợ phê bình nếu có việc gì đấy nhưng đây là dịp quan trọng để mình phản bác, đấu tranh lại một số vấn đề hiểu chưa đúng. Cái này là cái được chứ đâu phải không được. Hiện nay kỹ năng của nhiều người chưa quen, chưa đào tạo một cách bài bản nên người ta ngại ngần cũng là điều dễ hiểu. Do đó, ta phải khuyến khích để họ hiểu rõ quyền và nghĩa vụ của mình.
. Xin cảm ơn ông.
Trong năm năm qua có sự bùng nổ các phương tiện thông tin, truyền thông xã hội. Với một xã hội mở, một thế giới phẳng như thế này, nếu báo chí chính thống không thông tin hoặc không kịp thời cung cấp thông tin cho báo chí thì các loại thông tin từ những phương tiện truyền thông xã hội khác sẽ điều chỉnh các vấn đề trong dư luận xã hội. Với những yêu cầu mới đó, cần phải có quy chế mới phù hợp hơn để đáp ứng nhu cầu thông tin của nhân dân và xã hội cũng như nhằm cung cấp thông tin một cách chủ động nhất, toàn diện nhất, tạo điều kiện cho báo chí có thông tin chính thống. Thứ trưởng Bộ TT-TT ĐỖ QUÝ DOÃN |
MINH CƯỜNG/Pháp Luật TPHCM
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét